Chưa bao giờ nhiều siêu xe đắt tiền về Việt Nam như năm 2012. Chưa bao giờ người ta lại thấy hoang mang về nền công nghiệp ôtô Việt Nam đến vậy. Và chưa bao giờ thị trường lại sụt giảm thê thảm đến thế. Cũng chưa bao giờ người ta sợ thuế và phí ôtô như lúc này.
Thị trường ôtô, xe máy Việt Nam năm 2012 có thể gói gọn trong 3 chữ “chưa bao giờ”.
Chưa bao giờ các thành viên VAMA lại tổ chức chung một triển lãm xe hơi với các nhà nhập khẩu.
Hãy cùng Autodaily điểm lại 10 sự kiện được quan tâm trong ngành ôtô, xe máy diễn ra trong năm vừa qua:
1. Công nghiệp ôtô Việt Nam thụt lùi
Kết quả kinh doanh năm 2012 cho thấy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam tiếp tục thụt lùi và đi ngược với xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực. Và nếu không có những chính sách vĩ mô ổn định và lâu dài, tương lai của một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế sẽ vẫn bất định.
Theo báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng ôtô mà các thành viên hiệp hội này đạt được tính đến tháng 11 năm 2012 là 71.860 chiếc, giảm đến 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tiêu thụ ôtô trong nước giảm mạnh trong năm 2012
Kinh tế khó khăn, lại đủ thứ thuế và phí, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, cắt giảm mạnh chi tiêu khiến lượng tiêu thụ ôtô, xe máy trong nước giảm rất mạnh. Lượng hàng tồn kho đạt mức kỷ lục. Năm 2012 có thể xem là một năm đặc biệt khó khăn cho ngành ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Ngành công nghiệp ôtô trong nước năm 2012 phải đối mặt với sụt giảm doanh số bán hàng chưa từng có, các doanh nghiệp liên tục đưa ra các chiêu khuyến mãi, kích cầu, ra xe mới nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Cũng chưa có năm nào, dịp mua sắm cuối năm lại ảm đạm đến như thế.
2. Xe nhập khẩu “chết” dưới đáy
Theo số liệu Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2012, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 63,6% về lượng và 68,2% về trị giá.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ lớn trong năm 2012
Cả năm, tháng nào lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam cũng chỉ yên vị ở 2.000 chiếc, mức đáy trong vòng 3 năm trở lại đây, sự nhàm chán của lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc càng chứng minh các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng thực sự đã “chết”.
Các doanh ngiệp nhập khẩu ôtô cũng cho biết, tình hình tài chính hết sức khó khăn do xe không bán được, tồn kho cao cùng việc liên tục khuyến mãi giảm giá khiến cho không còn lợi nhuận. Không ít các doanh nghiệp thua lỗ lớn, nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.
3. Trong khốn khó, vẫn “bội thực” xe mới ra mắt
Bất chấp tình trạng suy giảm thê thảm về doanh số, năm 2012, Việt Nam vẫn đón nhận gần 40 mẫu xe mới ra mắt từ các nhà sản xuất, nhập khẩu với đa dạng chủng loại, từ xe nhỏ giá rẻ đến xe bán tải, xe đa dụng, xe thể thao đa dụng, hay là xe sang bạc tỷ…
Mercedes-BenzViệt Nam ra mắt GLK mới
Nửa đầu năm 2012, khá nhiều dòng xe mới như Toyota FT-86, Mazda MX-5, CX-5, Hyundai Genesis, Nissan 370Z, BMW 3-Series, Audi A5 Sportback, Mercedes-Benz ML-Class, Ford Ranger 2012… được tung ra thị trường.
Đến nửa cuối năm, một số hãng xe lại tiếp tục tận dụng triển lãm Ôtô Việt Nam để “khoe” xe mới. Kinh tế khó khăn, nhưng chưa khi nào một triển lãm xe tại Việt Nam lại nhiều xe mới đến thế. Ford giới thiệu Focus 2013, Audi ra mắt Audi R8 Spyder, Audi A4, Q5, BMW Euro Auto trình làng mẫu 640i Gran Coupe… Bên cạnh đó là GLK thế hệ mới của Mercedes-Benz Việt Nam, Civic 2012 của Honda, Camry 2012 của Toyota, Mirage của Mitsubishi, LUXGEN5 sedan của Luxgen, Menage Sport của Renault…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ra mắt các dòng xe này một là nằm trong kế hoạch định trước từ vài tháng, thậm chí cả năm trước nên “đặng chẳng đừng” hoặc hai là để làm truyền thông, tăng giá trị thương hiệu bởi có những dòng xe ra mắt được vài tháng mà doanh số không vượt nổi con số 5.
4. Vietnam Motor Show 2012: “Cú hích” cho thị trường ôtô
Với gần 120.000 lượt khách tham quan, khoảng 100 hợp đồng mua xe được ký kết, 75 mẫu xe trưng bày và 13 đơn vị tham dự, Triển lãm Ôtô Việt Nam 2012 (Vietnam Motor Show) được xem là điểm sáng của thị trường vốn trầm lắng trong năm 2012.
Vietnam Motor Show được xem là điểm sáng của thị trường vốn trầm lắng trong năm 2012
Điểm nhấn khác biệt lớn nhất của Vietnam Motor Show 2012 là sự kết hợp lần đầu tiên giữa các nhà sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng. Nó mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử triển lãm ôtô Việt Nam.
Sự kết hợp này đã mang đến cho khách tham quan một triển lãm ôtô đúng nghĩa với đa dạng sản phẩm trưng bày, từ thương hiệu bình dân cho đến cao cấp. Nó giúp khách hàng có thể nắm bắt thông tin về những phát triển mới nhất của thị trường.
5. Tăng phí trước bạ, người dân quay lưng với ôtô
Tháng 6/2011, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 có hiệu lực từ 1/9/2011, quy định tăng khung lệ phí trước bạ ôtô từ 10-15% lên 10-20%, và mức thu cụ thể sẽ do các tỉnh, thành tự quyết tuỳ điều kiện địa phương.
Hà Nội đã họp và quyết định nâng lệ phí trước bạ lên 20% với ôtô từ 1/1/2012
Với chính sách này, sau đó HĐND TP. Hà Nội đã họp và quyết định nâng lệ phí trước bạ lên 20% với ôtô, bắt đầu từ 1/1/2012 và nâng phí cấp biển xe ôtô lên 20 triệu đồng. Còn tại TP.HCM, lệ phí trước bạ nâng lên 15% từ 1/1/2012. Thị trường ôtô thực sự đóng băng bắt đầu từ 1/1/2012. Tiêu thụ ôtô giảm mạnh.
Theo đánh giá của nhiều người, bên cạnh tác động của suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, thì việc tăng mức thu phí trước bạ cũng đã góp phần đáng kể làm giảm doanh số bán hàng của các doanh nghiệp nói trên.
6. Thu phí đường bộ đối với phương tiện cá nhân
Cũng trong năm 2012, phí đường bộ đã chuẩn bị được áp dụng cho các phương tiện giao thông, dự kiến vào 1/1/2013. Bộ Tài chính quy định, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Thông tin về thu phí đường bộ góp phần làm cho thị trường ôtô thêm trầm lắng
Theo đó, mức phí thấp nhất đối với ô tô là 130.000 đồng/tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ; mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng, dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Với xe máy, mức đóng phí đường bộ 50.000 đồng/năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng.
Quy định về phí sử dụng đường bộ còn nhiều vướng mắc trong khâu triển khai, cộng với việc kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn nên chưa thể áp dụng vào ngày 1/1/2013. Tuy chưa thành chính sách, nhưng những thông tin này một lần nữa lại làm cho thị trường ôtô thêm trầm lắng.
7. Câu chuyện xe chính chủ
Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 10/11/2012. Theo đó, sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ.
“Một quy định gây quá nhiều ý kiến trái chiều” là nhận định chung về Nghi định 71 CP: “Áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ”.
Việt Nam hiện nay là một đất nước mà giao thông phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện xe máy, bởi vậy, như một lẽ đương nhiên, quy định mới đã thu hút rất nhiều sự chú ý, ý kiến từ phía người dân và tốn không ít giấy mực từ các phương tiện thông tin đại chúng.
Còn đó những câu hỏi được đặt ra trong thời gian tới về tính khả thi thực sự của qui định này. Người dân mặc dù đã có những ý kiến đồng tình nhưng rõ ràng chưa thực sự sẵn sàng với một qui định mới còn tạo ra nhiều điều băn khoăn lo lắng, đặc biệt là những người dân nghèo hiện tại không sở hữu được một chiếc xe chính chủ.
8. Nhiều thương hiệu xe tại Việt Nam dính “án” triệu hồi
Không chỉ đau đầu vì xe ế, các hãng ôtô xe máy tại Việt Nam năm 2012 còn khá mệt mỏi bởi những sự cố chất lượng với hàng trăm nghìn xe dính lỗi triệu hồi.
Tháng 10, Toyota VN chính thức thông báo chương trình triệu hồi gần 5.300 xe để kiểm tra và khắc phục lỗi công tắc chính điều khiển cửa sổ điện trên xe Corolla Altis và Vios. 157 xe Ford Transit có thể bị lọt nước vào trong khoang xe khi vận hành qua vùng ngập nước hoặc khi đi dưới trời mưa cũng được Ford Việt Nam thông báo triệu hồi. GM Việt Nam cũng phải triệu hồi tới 10.342 xe khi xác định là có vấn đề ở cụm điều khiển hệ thống chống bó cứng phanh ABS.
152.053 chiếc Honda Wave 110 RSX đời 2012 được thông báo triệu hồi
Không chỉ xe hơi, các hãng xe máy ở Việt Nam cũng đã có lúc phải lao đao vì dính “án” triệu hồi. Ngày 25/9, Honda Việt Nam thông báo triệu hồi để sửa chữa 152.053 chiếc Wave 110 RSX đời 2012 do lỗi của cụm dây điện đèn hậu.
Khác với Honda Việt Nam, hãng xe Italia Piaggio Việt Nam cũng tiến hành kiểm tra và thay mới vành sau của một số dòng xe mà thực chất là triệu hồ nhưng không công bố thông tin một cách rộng rãi.
9. Kinh tế khó khăn, siêu xe vẫn ồ ạt về Việt Nam
Năm 2012 chứng kiến sự khó khăn của nền kinh tế cũng như sự ảm đạm của thị trường ôtô Việt. Tuy nhiên, trong khi từng người dân chi tiêu chặt chẽ hơn, ngay cả với các loại hàng tiêu dùng thiết yếu thì hàng loạt siêu xe lại ồ ạt đổ về Việt Nam với những thương hiệu hàng đầu thế giới như Ferrari, Rolls-Royce, Bugatti hay Bentley…
Nếu đầu năm siêu xe nhanh nhất, trị giá 1,4 triệu đô Bugatti Veyron về Việt Nam là sự kiện gây chú ý rất lớn thì thời gian tiếp sau, mọi người dân đều phải bất ngờ khi có tới 4/33 chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản Rồng xuất hiện trên dải đất hình chữ S. Mức giá khởi điểm cho một chiếc Rolls-Royce Phantom Year of the Dragon cũng vào khoảng 1,2 triệu USD.
Bugatti Veyron là một trong nhiều siêu xe về Việt Nam năm 2012
Chưa hết, bản đồ siêu xe Việt Nam còn nổi bật hơn khi cặp đôi Lamborghini Aventador LP700-4 cập bến. Bên cạnh đó là những Ferrari F430 Spider, Bentley Mulsanne, Lamborghini Gallardo, Audi R8 V10… cùng một danh sách siêu xe, xe hạng sang cứ dài dần cho đến cuối năm 2012.
Như vậy là ở một thị trường xe hơi nhỏ như ở nước ta nhưng hầu hết những siêu xe hay xe siêu sang đã đều lăn bánh ở Việt Nam. Điều này thu hút sự quan tâm không nhỏ của không chỉ người yêu xe Việt Nam mà cả báo giới nước ngoài.
10. Trường Hải – Giữ niềm tin cho thương hiệu Việt
Trong lúc các doanh nghiệp ôtô trong nước lao đao vì khủng hoảng kinh tế thì Công ty cổ phần ôtô Trường Hải vẫn vượt khó, vươn lên mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu Việt và giữ vững vị thế ngôi vị số 1 tại thị trường ôtô Việt Nam.
Năm 2012, Trường Hải đã vượt khó thành công
Cũng giống như năm ngoái, Trường Hải và Toyota đã tạo nên một cuộc đua song mã về doanh số bán hàng trong từng tháng. Tuy nhiên, với thế mạnh nội lực của mình, thương hiệu xe của người Việt đã liên tục dẫn đầu. Báo cáo bán hàng của VAMA 11 tháng đã qua của năm 2012 cho thấy, Trường Hải là đơn vị đứng đầu về doanh số bán hàng 7 trên tổng số 11 tháng, chỉ chịu đứng sau nhà sản xuất ôtô Nhật Bản trong tháng 1, 9, 10 và 11. Thị phần thường xuyên đạt ở mức xấp xỉ 30% toàn thị trường.
Chịu cảnh khó khăn chung ở lĩnh vực xe du lịch, Trường Hải đã vượt khó ngoạn mục khi chuyển bớt nhân lực, định hướng sang phát triển xe thương mại. Dòng xe tải, xe bus mang thương hiệu THACO khẳng định được thị phần và vị thế vững chắc trên thị trường.
Ông Trần Bá Dương vẫn "chèo lái" con thuyền Thaco đi đúng hướng
Theo báo cáo của Thaco, dù phải giảm chỉ tiêu doanh số, nhưng sau 11 tháng, đơn vị ước bán được 22.511 xe, bằng 71% chỉ tiêu cũ (90% chỉ tiêu mới). Doanh thu thuần đạt 9.337 tỷ đồng, bằng 75,7% chỉ tiêu cũ (90,7% chỉ tiêu mới). Lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng, bằng 29.6% chỉ tiêu cũ (91,7% chỉ tiêu mới).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét